Các kênh phân phối TPCN tại Việt Nam

Cùng với sự nở rộ của ngành TPCN tại Việt Nam, các kênh phân phối được coi là yếu tố rất quan trọng để đem lại khả năng kinh doanh thành công của một sản phẩm. Tuy nhiên, nên lựa chọn kênh nào để kinh doanh là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp khi chuẩn bị ra mắt một sản phẩm. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới quý vị các kênh phân phối TPCN hiện nay ở Việt Nam và một số đặc điểm của chúng.

1. Nhà thuốc, quầy thuốc (Bao gồm các cửa hàng kinh doanh cá nhân và các chuỗi nhà thuốc như Long Châu, VinFa, Pharmacity)

Nhà thuốc là nơi khách hàng tới để mua thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần các nhà thuốc đều có kinh doanh thêm các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung để tư vấn, hỗ trợ thêm cho khách hàng trong quá trình điều trị bằng thuốc, cũng như phòng ngừa bệnh tật. Do đó, đây là kênh phân phối TPCN có khả năng tiếp cận với tệp khách hàng đa dạng về nhu cầu và mong muốn mua hàng cao.

2. Các cửa hàng bán lẻ các sản phẩm sức khỏe & sắc đẹp

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhu cầu làm đẹp là rất hớn. Hiểu biết của người tiêu dùng về các loại sản phẩm mỹ phẩm, TPCN hỗ trợ làm đẹp cũng đang ngày một được nâng cao. Vì thế, nhu cầu hiện nay không chỉ còn là đẹp mà phải là đẹp và khỏe. Đáp ứng nhu cầu đó, các cửa hàng chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp đã bổ sung các loại TPCN hỗ trợ làm đẹp như: viên uống bổ sung vitamin, viên uống bổ sung collagen, TPCN hỗ trợ giảm cân, …

3. Các siêu thị

Với xu thế phát triển đa năng, đa dịch vụ, các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi đang tích hợp rất nhiều tiện ích để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu hoặc giới thiệu các dịch vụ mới tới khách tới siêu thị mua hàng. Theo đó, các siêu thị tiến tới mở các gian hàng thuốc trong siêu thị giúp cho các dòng TPCN cũng có thể có mặt tại các kệ hàng trong đó.

4. Các cửa hàng online

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ và đời sống nhân dân được nâng cao, giờ đây, ai cũng có thể tiếp xúc với internet và những nội dung mà nó mang lại. Vì thế, bán hàng online lại càng có cơ hội phát triển mạnh. Kênh bán hàng này rất đa dạng, bao gồm các sàn thương mại điện tử, các website bán hàng hay các trang mạng xã hội do cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh. Không chỉ vậy, giá trị truyền thông thông qua kênh này rất cao nên các đơn vị, cá nhân kinh doanh ứng dụng để truyền tải thông tin, thông điệp về sản phẩm tới khách hàng, giúp tăng cường hiệu quả bán hàng.

5. Qua các kênh đa cấp

Hình thức kinh doanh đa cấp được hiểu đơn giản là một mạng lưới bán lẻ gồm nhiều người tham gia bán hàng ở các cấp độ khác nhau, hàng hóa được đưa trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng không thông qua đại lý trung gian. Kinh doanh đa cấp hợp pháp có thể mang lại rất nhiều lợi ích và cơ hội cho những người tham gia. Đây là một hình thức phân phối bán hàng khá phổ biến tại nước ngoài và đang phát triển ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn như  Herbal Life, Unicity, vv cũng đang theo hình thức này.

6. Qua xách tay (nhập hàng từ nước ngoài về theo hành lý)

Nhu cầu sử dụng TPCN trong nước là rất lớn. Tuy nhiên, người tiêu dùng một phần còn e ngại chất lượng hàng sản xuất trong nước, một phần nghi ngờ xuất sứ sản phẩm không rõ nguồn gốc nên họ có thể tìm tới sản phẩm thông qua kênh “xách tay”. Đây là hàng mua trực tiếp ở nước ngoài rồi gửi về nước theo hành lý của người đi máy bay để tránh các thủ tục xuất nhập khẩu, thuế, …

7. Những kênh khác

Những kênh này bao gồm: qua tư vấn của bác sĩ, phòng khám, bệnh viện, các trung tâm tập GYM – cho các sản phẩm giảm cân, vv. Ở những kênh này, người tư vấn thường là người có chuyên môn cao, hiểu rõ vấn đề của khách hàng, vì thế, họ có được sự tôn trọng, tin tưởng nhất định đối với sản phẩm được tư vấn.